BIỂU TƯỢNG
Biểu Tượng
Định Nghĩa
Biểu tượng là những dấu, hình, hay ký hiệu hàm chứa chân lý trong vũ trụ, và các chỉ dẫn được dùng cho nhiều tầng lớp:
– Cho người ít tiến hóa, nó giảng dậy những chân lý cao cả bằng hình thức dễ hiểu, giản dị.
– Cho khối đông nhân loại, nó duy trì chân lý nguyên vẹn và thể hiện những sự kiện trong vũ trụ.
– Cho người tiến hóa, nó làm phát triển trực giác.
Có bốn loại biểu tượng:
– Biểu tượng về những vật bên ngoài, là vật ở cõi trần.
– Biểu tượng về mặt tình cảm, là vật ở cõi tình cảm; hình ảnh
– Biểu tượng bằng số, ở cõi hạ trí.
– Biểu tượng là những hình kỷ hà, có tính trừu tượng thuộc cõi thượng trí.
Ta có thể nói thêm, biểu tượng là dấu hiệu thấy được ở bên ngoài của một thực tại tinh thần bên trong. Biểu tượng còn là hình nguyên mẫu archetype về diễn trình tiến hóa, cái khuôn mẫu sẽ hiển hiện khi Thiên Cơ được thành hình. Đó những hình kỷ hà mà người ta hay nằm mơ thấy, mô tả tâm thức mở rộng, thí dụ như
– Dấu chấm,
– Đường thẳng nằm ngang ⸻,
– Vòng tròn ○,
– Hình tam giác r,
– Hình vuông □,
– Chữ Thập +,
– Ngôi sao năm cánh ☆.
– Ngôi sao sáu cánh ✡.
Các biểu tượng này chỉ giản dị nói về những đường lực trong diễn trình tiến hóa cho tới nay. Ta được biết mỗi giống dân chính có bẩy biểu tượng như thế được sinh ra và chấp nhận, nên nếu kể từ mẫu chủng thứ ba là Lemuria, Atlantis thứ tư và Aryan thứ năm, tức ba giống dân chính đang có mặt hiện thời trên địa cầu, thì tổng cộng sẽ có 21 biểu tượng thể hiện những ý niệm ấn định ba nền văn minh ấy. Và bởi còn hai giống dân chính ra đời tiếp theo, vậy có thêm 14 biểu tượng sẽ tới.
Một số biểu tượng đã thành khuôn được in sâu đậm vào tâm thức con người, và dẫn tới việc thường xuyên dùng dưới nhiều hình thức khác nhau, thí dụ như chữ Thập. Vào lúc này hai biểu tượng đang thành hình là hoa sen và ngọn đuốc, chúng là căn bản cho nền văn minh sắp tới. Do đó người ta hay nhìn thấy chúng khi tham thiền hay nằm mơ.
Có ba cách diễn giải hay ba chìa khóa cho biểu tượng:
– Diễn giải về mặt vũ trụ: biểu tượng nói về các sự kiện trong vũ trụ, thí dụ sự Sáng, Bóng Tối, vòng tròn và chấm ở giữa, con rắn ngậm đuôi.
Mỗi diễn giải về việc vũ trụ học, về sự sinh ra vũ trụ đều bắt đầu với vòng tròn, cái chấm, tam giác và khối vuông hay zero, 1, 2, 3 v.v cho đến số 9, nó được tổng hợp thành vòng tròn và đường thẳng đứng đầu tiên, thể hiện các bí ẩn của trọn vũ trụ cho ai có thể hiểu ngôn ngữ huyền bí. Nói khác đi, cuộc tiến hóa hay bí ẩn của vũ trụ, sự tăng trưởng và phát triển của nó - tinh thần và vật thể, trừu tượng và cụ thể - đầu tiên được ghi lại bằng những hình kỷ hà có dạng thay đổi.
– Diễn giải về mặt hệ thống: bàn về cuộc tiến hóa của hệ thống và tất cả những gì trong đó.
– Diễn giải về con người: thí dụ hai tam giác đan vào nhau thành ngôi sao sáu cạnh.
Một biểu tượng quen thuộc là hoa sen, được diễn giải cho cả tiểu và đại vũ trụ.
● Đại vũ trụ:
Bùn = cõi trần trong thái dương hệ.
Nước = bản chất tình cảm
Hoa vươn trên nước = kết quả tinh thần.
Phương pháp = lửa vũ trụ hay trí thông minh.
●Tiểu vũ trụ: hay con người:
Bùn = thể xác
Nước = bản chất tình cảm
Hoa vươn trên nước = kết quả tinh thần hay bồ đề tâm.
Phương pháp = lửa của trí năng
Tính Chất
Ta được khuyên là nên xem mọi hình thể biểu lộ trong thiên nhiên như là biểu tượng. Một biểu tượng được diễn giải theo vài cách như:
– Tự nó là sự thể hiện của một ý tưởng,
– Rồi cái ý tưởng đằng sau nó,
– Và ý tưởng này có một mục tiêu chưa được nhận biết.
Ba cách diễn giải của một biểu tượng có thể được xem như sau:
● Diễn giải ý bên ngoài của một biểu tượng dựa phần lớn trên sự tiện dụng của vật, và trên tính chất của hình thể, nhằm hai mục đích:
– Cho chỉ dấu sơ khởi, mờ nhạt về ý tưởng hay khái niệm, nối kết biểu tượng với cõi trí theo bản chất bên ngoài của nó. Biểu tượng chưa thoát khỏi mà vẫn còn nằm trong ba cõi thấp nơi con người sinh hoạt.
– Giới hạn và cầm giữ, chứa đựng ý tưởng đó, thích ứng nó với mức tiến hóa mà Thượng Đế và con người đạt tới (ta đừng quên Thượng Đế cũng đang tiến hóa, từ vị Hành Tinh Thượng Đế tới Thái Dương Thượng Đế v.v.). Bản chất thực của ý tưởng tiềm ẩn thì luôn mạnh mẽ, trọn vẹn và đầy đủ hơn là hay biểu tượng mà qua đó nó đang tìm cách biểu lộ. Thí dụ vật chất chỉ là biểu tượng cho một năng lực trung tâm. Hình thể mọi loại thuộc các loài trong thiên nhiên, thiên hình vạn trạng, tất cả chỉ là những biểu tượng của sự sống, còn chính Sự Sống là gì thì có thể vẫn còn là một bí ẩn.
● Những hình thể bên ngoài này có đủ loại và dùng cho nhiều mục đích, làm ta rối trí khi bàn về biểu tượng. Nói chung các biểu tượng xuất phát từ ba nguồn sáng tạo.
– Thái Dương Thượng Đế.
– Hành Tinh Thượng Đế,
ta không cần bàn chuyện cao xa ở hai mức tiến hóa này.
– Con người. Ta tạo nên hình thể và biểu tượng mỗi ngày trong việc làm của mình, nhưng đa số vẫn còn làm việc một cách mù quáng, phần lớn không ý thức. Dầu vậy họ quả đang tạo tác vì sử dụng trí năng, biết suy luận có lý lẽ.
Các thiên thần bậc thấp và hàng ngũ tinh linh tuy tạo hình nhưng không phải là kẻ sáng tạo. Chúng làm việc theo động lực phát xuất từ ba nhóm vừa kể. Mỗi nhóm này có tự do trong vòng giới hạn đặc biệt.
● Diễn giải tâm linh khiến lộ ra ý tưởng nằm đằng sau hình thể biểu hiện. Ý tưởng này tự nó vô hình dạng, được cụ thể hóa ở cõi trần; như đã nói ở trên, đằng sau mỗi hình thể - và không có ngoại lệ - là một ý tưởng, bất kể ai sáng tạo trong ba nhóm trên có trách nhiệm trong việc tạo ra nó. Ai bước vào Phòng Học Tập (Hall of Learning ghi trong The Voice of the Silence, ở cảnh cao cõi tình cảm) sẽ nhận ra được các ý này, cũng như ai còn trong Phòng Vô Minh (cõi trần) nhận ra hình thể là thể hiện bên ngoài của biểu tượng.
Vừa khi một ai bắt đầu dùng trí năng và tiếp xúc với Chân nhân của mình dù còn ít, có ba việc xẩy ra:
– Anh nhìn vượt qua được hình thể và tìm cách giải thích nó.
– Theo với thời gian, anh đạt tới phần hồn mà mọi hình thể che đậy, nhờ hiểu biết của linh hồn anh.
– Anh bắt đầu tự mình đặt ra ý tưởng, sáng tạo và biểu lộ cái năng lực mà anh thấy mình có thể sử dụng.
Tập cho con người mở mang và dùng trí năng là tập cho họ sáng tạo, và chỉ dẫn cho họ biết về bản chất của linh hồn là tập họ tiếp xúc có ý thức với phần tâm linh của hình thể. Con người khi ấy - với nhận thức tinh thần được phát triển và thành mạnh mẽ - trở thành kẻ sáng tạo có ý thức, hợp tác với những kế hoạch của Thiên Đoàn, là những Vị làm việc với ý tưởng, và tìm cách mang những ý tưởng xuống thể hiện nơi cõi trần.
Khi ngày càng tiến hóa và phát triển, khả năng làm việc cùng khả năng nắm bắt tư tưởng nằm đằng sau mọi biểu tượng gia tăng, anh không còn bị vẻ ngoài chi phối mà biết đó là hình thể giả tạm, che dấu và cầm giữ một tư tưởng. Ý nghĩa tinh thần là điều nằm sau phần tâm linh, bị ý tưởng hay tư tưởng che dấu, giống như ý tưởng bị hình thể biểu lộ bên ngoài che đậy.
Ba mặt này của của một biểu tượng có thể được xem xét với hạt nguyên tử của vật lý và hóa học, mà ta gọi là một đơn vị năng lực.
– Nó có một hình thể là biểu tượng cho năng lực sinh ra nó. Hình thể này của hạt nguyên tử là sự biểu lộ bên ngoài của nó.
– Ta có âm điện tử, cho ra tính chất riêng biệt của bất cứ hạt nguyên tử nào, tựa như linh hồn một người cho ra bản chất riêng của một người. Âm điện tử tượng trưng cho mặt tâm linh của sự sống.
– Chót hết là phần dương tính, năng lực tạo nên sự liền lạc cho trọn khối, và sự hòa hợp của sự thể hiện bên ngoài với tâm linh bên trong, tương tự như ý nghĩa tinh thần.
Tương tự vậy nơi con người, ta cũng thấy ba mặt ấy:
– Nơi cõi trần con người là biểu tượng bên ngoài của một ý tưởng bên trong,
– Ý tưởng này - còn gọi là linh hồn - có tính chất và một hình thể mà qua đó nó tìm cách biểu lộ,
– Linh hồn tới phiên nó là kết quả của một động lực tinh thần, mà ai có thể nói gì về động lực ấy.
Cả ba yếu tố này đều đang trên đường tiến hóa, chưa toàn thiện nên do đó chưa thể biểu lộ trọn vẹn cái yếu tố tinh thần nằm đằng sau linh hồn.
Ý Nghĩa Các Biểu Tượng
– Ngôi sao năm cánh nơi cõi trí ☆ mang nhiều ý nghĩa, một trong các ý nghĩa này là sự tiến hóa của nguyên lý thứ năm là trí năng, nhờ vào ngũ quan để đạt ngã thức.
– Vòng tròn ○, tượng trưng cho vòng bất quá của vật chất chưa phân hóa. Nó tượng trưng cho thái dương hệ, hành tinh, hay tế bào trong thân người, và cho hạt nguyên tử trong vật lý hay hóa học.
Vòng tròn hay hình trứng là biểu tượng phổ quát, thấy ở khắp nơi. Hình trứng được xem là dấu hiệu thiêng liêng trong vũ trụ học của mọi sắc dân trên địa cầu, được tôn kính do hình dạng lẫn bí ẩn bên trong của nó. Hình trứng chỉ vòng tròn hay hình cầu là biểu tượng của vũ trụ và những thiên thể trong đó.
– Vòng tròn có một chấm ở tâm , muốn nói việc sinh ra nhiệt trong tâm điểm của vật chất; điểm lửa, giây phút có sự xoay tròn đầu tiên do nhiệt tiềm ẩn phát ra, đẩy nó vào bầu ảnh hưởng của một hạt nguyên tử khác. Nó sinh ra sự thu hút đầu tiên, rồi tạo nên sự đẩy lui và do vậy sinh ra
– Vòng tròn chia đôi. Điều này đánh dấu việc tích cực quay tròn, và là khởi đầu cho sự chuyển động của hạt nguyên tử vật chất.
– Vòng tròn chia làm tư, đây là vòng tròn thực sự của vật chất, là chữ thập có bốn cạnh đều nhau, hiện thân của vật chất linh hoạt thông minh, cũng như là chiều đo thứ tư là đích nhắm tới cho vật chất ở Cuộc tuần hoàn - Round thứ tư.
– Chữ Vạn, muốn nói lửa chẳng những phát ra theo bốn hướng mà dần dần xoay tròn và chiếu rạng khắp trọn chu vi. Ta có bánh xe cháy rực, quay đủ mọi chiều thành ngọn lửa toàn vẹn.
– Chữ Thập. Mỗi biểu tượng chữ thập trong chiêm tinh học có ý nghĩa bên ngoài và bên trong.
– Hình tam giác chỉ về ba thành phần của Chân nhân hay linh hồn.
– Hình vuông chỉ về bốn thành phần của phàm nhân, mà về một nghĩa khác còn chỉ nhân loại là loài thứ tư trong thiên nhiên
Tổng quát thì con người chính yếu là
● Hình tam giác r chỉ ba năng lực, liên hệ với tinh thần và sự tổng hợp,
● Hình vuông □ là tứ thể hạ liên hệ với sự biểu lộ qua hình thể,
● Hình chữ Thập +, là việc theo đuổi vật chất ở giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa, và sau cùng con người được tượng trưng bằng
● Ngôi sao năm cánh ☆, chỉ trạng thái tâm thức.
Bốn biểu tượng giản dị này nói lên trọn lịch sử của nhân loại trong thiên nhiên. Tam giác và ngôi sao biểu lộ phần tâm thức trụ vào thực tại, còn hình vuông và chữ Thập là sự biểu lộ con người hướng ra ngoài.
Về chữ Vạn, mặt thấp của nó mô tả phàm nhân theo đuổi mục tiêu vật chất, để sau cùng có thể học được cách dùng thiêng liêng của nó. Đây là mặt mà nhóm Nazi ở Đức biểu lộ hồi thế chiến II, và dùng biểu tượng ấy cho họ. Những người này thể hiện việc dùng vật chất theo cách sai lầm và ác độc, với các nét chính là lòng chia rẽ, tàn nhẫn và ích kỷ. Việc sử dụng vật chất và hình thể cho mục đích xấu xa là tội lỗi, và đẩy con người vào sự nguy hiểm khốn cùng.
Nhiều chi tiết về đề tài này có lẽ không có ý nghĩa mấy cho đa số chúng ta, chúng được đưa ra vì giá trị duy nhất của chúng nằm ở lời giải thích, liên kết và tương tác giữa tất cả những phần trong thái dương hệ của ta.
Nói thêm thì hình tam giác đáng chú ý về mặt điều hành, hoạt động, đặt kế hoạch, ấy là ta có một đỉnh và hai điểm phụ. Khi áp dụng thì cách làm việc của Ashram thể hiện qua nhóm, là luôn luôn có một nhân vật đứng đầu và hai người khác, cả ba họp lại là phản ảnh hay tương đương với tam giác. Về mặt chính trị, cơ cấu trong mỗi nước là có một lãnh tụ và dưới đó là một nhân vật lo về đối nội - hay nội vụ - và người nữa lo về đối ngoại - hay ngoại giao.
Diễn Giải
Nói kỹ hơn vài biểu tượng thì ta có:
1. Hai Đường
– Đường dọc hay thẳng đứng │ chỉ về tinh thần bên trên và đi xuống vật chất bên dưới, nó hàm ý tăng gia sự nhậy cảm với ảnh hưởng từ trên cao và hứng khởi bên trong.
– Đường ngang ⸻ chỉ sự liên hệ với tất cả trong vũ trụ, hàm ý con người đứng dang tay để ban ân phước cho tất cả. Liên hệ này khi được thực hiện cho ra nhiều hình ảnh với ý nghĩa khác nhau, mỗi cái diễn tả một mức ý thức, một giai đoạn hay trình độ:
● Người chí nguyện học rằng mình có ba thành phần, có biểu tượng là ba chấm họp thành hình tam giác.
● Người đệ tử có biểu tượng chỉ sự nhận biết tính nhị nguyên
● Vị đạo đồ có biểu tượng là vòng tròn chỉ ý nhất nguyên.
Ta ghi nhận ở đây là biểu tượng
– Chỉ tính nhị nguyên nơi nhân loại chưa hiểu biết, là vòng tròn với đường kính nằm ngang ;
– Nơi người đệ tử ấy là vòng tròn với đường kính thẳng đứng, chỉ đường Đạo hẹp giữa những cặp đối nghịch .
Các biểu tượng này tuy giản dị, đơn sơ nhưng thể hiện và chứa đựng những chân lý to tát cho ai hiểu biết.
2. Hình Chữ Thập Æ hay đường dọc và đường ngang có nhiều ý nghĩa, ở đây ta nói về một ý trong đời người trên đường Đạo.
– Trước hết hai đường muốn nói đời của anh có hai tính chất, anh sống trong đời thường, làm tròn bổn phận với gia đình, xã hội, quốc gia theo luật lệ, văn hóa của nơi anh đang ở, mà cùng lúc ý thức rằng anh còn có đời sống tinh thần biểu lộ qua đời sống thường nhật.
●Đường dọc │ chỉ về Thượng Đế, hay thực tại thiêng liêng mà mọi hình thể che khuất.
Vật chất là cực đối nghịch với Thượng Đế mà qua đó thiên tính được biểu lộ.
● Đường ngang ⸻ chỉ về Nhất nguyên, khi sống theo đường dọc, anh cảm biết mình là một với muôn loài trong muôn vàn hình thể, và đặc biệt với nhân loại. Anh có lòng thông cảm.
Sự hòa hợp khiến cho không có phân rẽ hay rào cản nào, người ta không thấy có khác biệt nữa, anh có thể hòa vào - tune in sự sống trong mọi hình thể, và do vậy có tính bao trọn inclusiveness hoàn toàn.
– Kế đó người chí nguyện cần ghi nhớ trong tâm rằng anh hướng lên trên về Thiên Đoàn và có ý thức tinh thần, nhưng cùng lúc anh đi xuống dưới vào nơi mà anh tin sai lầm rằng đó là hố sâu và tội lỗi của con người, luôn luôn gìn giữ bản chất tinh thần của mình và học ba bài học quan trọng:
● Nhận biết là anh chia sẻ mọi khuynh hướng của nhân loại, tốt cũng như xấu, và do đó có thể phụng sự.
● Khám phá ra điều mà anh khinh bỉ nhất và sợ nhất, là điều hiện hữu mạnh nhất nơi anh mà chưa được nhận biết. Anh cũng thấy là mình phải tìm hiểu và biết các điều sợ hãi và khinh rẻ này trong tâm thức, để chúng trở thành lợi điểm của anh thay vì là điều phải né tránh. Anh học là không sợ việc chi, anh là một người mà cũng là một nhà thần bí mystic, một huyền bí gia, một người chí nguyện. Từ từ anh đạt được những trạng thái tâm thức, làm chủ được hết những chặng ý thức, và trở thành bậc Chân Sư.
● Sự vô ích của những thái độ trong quá khứ, những cách nhìn giáo điều về sự sống và con người (thường dựa trên truyền thống và hoàn cảnh), khi chúng phân cách anh với đồng loại.
Khi thực sự học được ba điều này thì anh thành bậc đạo đồ - initiate.
3. Chữ Vạn 卍 được cho là có bẩy ý nghĩa, chứa đựng chìa khóa cho bẩy bí ẩn của vũ trụ; một trong các ý này cho rằng nó là biểu tượng cho nguyên lý nam (đường đứng │) và nguyên lý nữ (đường ngang ⸻) hay đặc tính âm, dương trong thiên nhiên. Chữ Vạn được xem là có tính triết lý khoa học nhất trong các biểu tượng, và cũng là biểu tượng dễ hiểu nhất, nó tóm tắt trong vài đường giản dị trọn sự sáng tạo hay tiến hóa, từ vũ trụ xuống đến con người, từ điều vô hình là Thượng Đế tới khoa học vật chất. Bốn cánh tay với cạnh thẳng góc tượng trưng cho sự chuyển động liên tục và quay tròn của những lực vũ trụ vô hình.
Một giải thích khác nữa là khi nói về vũ trụ hữu hình và địa cầu, chữ Vạn chỉ sự quay tròn của những chu kỳ thời gian của trục trái đất và đường xích đạo; hai đường đứng và ngang tạo nên chữ Vạn muốn nói phần tinh thần và vật chất, và bốn móc ở đầu nói về chuyển động trong các chu kỳ. Biểu tượng này thường được nối kết với Ấn Độ và Phật giáo, nhưng thật ra nó có từ rất xưa và gặp ở nhiều nơi, thí dụ như thành Troy ở Turkiye trong lịch sử cổ thời.
4. Chữ Tau của Ai Cập hay T của Hy Lạp do số bẩy 7 hợp với chữ gamma Γ mà ra, là biểu tượng cho sự sống đời đời, và cho sự sống trên địa cầu, vì:
● Số bẩy 7 là biểu tượng cho sự sống nối liền với sự sống thiêng liêng: hình tam giác đặt bên trên hình vuông, là biểu tượng của con người gồm bẩy phần: tam thể thượng và tứ thể hạ.
● Gamma Γ là biểu tượng cho địa cầu (gọi là gaia chữ Hy Lạp).
Kết
Biểu tượng thánh giá chân thực là con người khi có hiểu biết, đứng dang tay ban phép lành cho tất cả. Ý nghĩa bí truyền ấy tích cực, đầy sự sống, khác với ý công truyền về sự tử nhuộm nét bi thương có phần sai lạc. Nhận thức này cũng đầy hứng khởi, là bài học giá trị về biểu tượng cho ta. Đưa ra biểu tượng còn có ý khuyến khích ta tham thiền về chúng, một phần là để phát triển thượng trí là trí trừu tượng, và phần khác là để làm quân bình việc hạ trí hay trí cụ thể được sử dụng quá độ.
Lý do là những hiểu biết tinh thần chỉ có thể tìm thấy từ cõi thượng trí trở lên, còn hạ trí làm việc ở cõi vật chất mà không phải là phương tiện để khám phá chuyện tinh thần. Muốn đi sâu vào cõi tinh thần, hay nói khác đi muốn hiểu chuyện tinh thần ta phải dùng thượng trí, và suy gẫm về biểu tượng, học về ý nghĩa của chúng là một cách khai mở quan năng này.
Tham khảo:
- The Secret Doctrine, vol.2, HP Blavatsky
- Esoteric Psychology vol. 2, A.A.Bailey
- Discipleship in the New Age, vol. 1, 2, A.A.Bailey.